Điều trị đái tháo đường típ 2 cần phối hợp nhiều phương pháp: dinh dưỡng, tập luyện và sử dụng thuốc. Muốn đường huyết được kiểm soát tốt, bạn cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Tùy theo tình trạng bệnh của bạn: thời gian mắc bệnh, biến chứng của bệnh… bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị thích hợp nhất đối với từng giai đoạn bệnh của bạn. Đái tháo đường là bệnh mãn tính phải điều trị suốt đời, mỗi giai đoạn bệnh cần phải điều chỉnh thuốc sao cho đường huyết cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch khác như: huyết áp, mỡ máu, cân nặng được kiểm soát tối ưu mà ít chịu tác dụng phụ của thuốc nhất. Bạn phải đi khám bệnh định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc kịp thời, tránh trường hợp người bệnh chỉ dùng toa thuốc cũ một thời gian kéo dài mà không đi khám lại bác sĩ.
Các phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 bao gồm:
Thay đổi chế độ ăn và tập thể dục
Không có một chế độ ăn nào hoàn hảo cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Chế độ ăn thích hợp được xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe, cân nặng của bạn, chế độ điều trị thuốc, bệnh lý khác đi kèm và sở thích ăn uống của mỗi người. Nhìn chung người bệnh đái tháo đường cần hạn chế ăn các loại thực phẩm làm tăng đường huyết cao sau ăn như: gạo xay sát kỹ, bánh kẹo ngọt, nước ngọt và hoa quả ngọt. Người bệnh đái tháo đường nên lựa chọn những thực phẩm ít gây tăng đường huyết như: thực phẩm chế biến từ đậu, ngũ cốc, gạo lứt, rau xanh và hoa quả ít ngọt, nhiều chất xơ. Người bệnh, đặc biệt người thừa cân, béo phì hoặc có rối loạn mỡ máu nên hạn chế sử dụng mỡ động vật, phủ tạng động vật. Người bệnh nên hạn chế bia, rượu và không nên hút thuốc lá. Người bệnh chỉ nên uống 1-2 ly rượu vang mỗi bữa ăn. Không nên uống rượu lúc đói. Hãy trao đổi thêm với bác sĩ để tìm ra chế độ ăn phù hợp đối với bạn.
Tập luyện thể dục tốt cho mọi người, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường bị thừa cân. Nếu bạn có điều kiện thuê chuyên gia tập luyện thì quá tuyệt vời. Nếu không thì tập luyện đơn giản như đi bộ nhanh, đạp xe đạp, bơi lội… mỗi ngày 30 phút cũng rất hiệu quả. Người bệnh nên tập thêm các môn đối kháng tăng cường sức mạnh cơ bắp và độ dẻo dai ít nhất 2-3 lần tập/tuần. Tuy nhiên, người bệnh lớn tuổi cần lựa chọn những loại hình tập luyện phù hợp với sức khỏe của mình. Người bệnh nên chú ý kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập luyện, bảo đảm đường huyết không quá cao cũng như không quá thấp vào hai thời điểm này. Luôn mang theo kẹo ngọt hoặc nước ngọt bên người để phòng khi cơn hạ đường huyết xảy ra. Trước khi tập, cũng như trong quá trình tập người bệnh cần thường xuyên uống nước, tránh để cơ thể mất nhiều nước do tập luyện.
Tự sử dụng máy đo đường huyết
Các xét nghiệm được sử dụng để sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường bao gồm xét nghiệm đường huyết lúc đói (sau khi nhịn ăn qua đêm 8 giờ), nghiệm pháp dung nạp glucose (đo đường huyết sau 2 giờ uống 75g đường glucose) và xét nghiệm HbA1C.
Làm gì khi kết quả xét nghiệm sàng lọc bình thường?
Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, bạn nên thực hiện lại xét nghiệm mỗi 1-3 năm/lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm lại sớm hơn nếu bạn mắc tiền đái tháo đường hoặc bạn có nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tư vấn bạn thay đổi lối sống để phòng chống bệnh đái tháo đường típ 2 nếu bạn có các yếu tố nguy cơ cao có thể thay đổi được như: thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu…
Làm gì khi xét nghiệm sàng lọc phát hiện ra bệnh?
Nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc của bạn cao hơn ngưỡng chẩn đoán bệnh đái tháo đường thì bạn sẽ được đề nghị làm lại các xét nghiệm chẩn đoán bệnh bằng máu tĩnh mạch một lần nữa để chẩn đoán chính xác bệnh. Nếu bạn mắc bệnh, tùy theo mức độ của đường huyết, HbA1C và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp để điều trị bệnh. Tùy theo mức độ mắc bênh, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc hay không dùng thuốc ban đầu (chỉ thực hiện thay đổi lối sống).
Xem thêm video tư vấn của TS.BS Vũ Thị Khánh Vân – Nguyên chủ nhiệm khoa A9, Viện Y học Cổ truyền Quân đội. Tại đây